9/18/2011

Jayce 8 tháng tuổi (JAYCE'S)


Jayce 8 tháng tuổi

                                   Jayce 8 tháng tuổi, Melbourne September 2011

                                                                                         
                                                                                                     Trở lại “Home”

9/05/2011

Ẩn dụ trong thi ca [(C:) Drive]

Thông thường, khi thưởng thức một bài hát, ta ít khi chú tâm đến lời ca, vì đa số trường hợp, ta đã bị tiết tấu, âm điệu của dòng nhạc cuốn hút mình, để cho hồn mình hòa nhập với dòng nhạc đó. Điều này cũng dễ hiểu, như khi nghe một bản nhạc giựt, tự nhiên người ta phải nhún nhẩy, gật gù theo bản nhạc mặc dù đôi khi, nghe tiếng được tiếng mất của lời ca, nhất là trong trường hợp lời ca không phải tiếng mẹ đẻ của mình.


Nhìn về một khía cạnh khác, khi ta thích một bản nhạc, ta có thể thuộc lòng bài hát đó, nhưng chưa chắc ta đã hiểu thấu đáo những ngụ ý, những tâm sự hay những ẩn dụ mà tác giả muốn gửi gấm lòng mình qua bản nhạc đó. Thậm chí, đối với tôi, có một vài bản nhạc Việt mà tôi nghe, đã hàng mấy chục năm qua mà vẫn chưa nghe ra và cũng không thể đoán được một hoặc hai chữ trong bản nhạc đó. Ngay từ hồi còn trẻ, tôi đã thắc mắc và muốn đi tìm bản nhạc đó để xem đó là chữ gì? Theo tôi nghĩ, cũng có thể, để đi với cao độ của nốt nhạc đó, chữ đó phải là vần bằng nhưng tác giả vì muốn cố giữ ý nghĩa của ca từ, nên đã hơi…”gượng” để cho vần trắc vô? Nhưng rồi thời gian, vẫn êm đềm trôi như nước chảy qua cầu, cho tới giờ này tôi vẫn chưa có dịp làm chuyện đó…

Đôi khi, có những bản nhạc được viết riêng cho một người, nó chuyên chở một nỗi niềm, được dành riêng tâm sự, chuyển tải đến một người, mà chỉ có người đó mới hiểu được mà thôi. Nhưng dù sao, đây cũng chỉ là những trường hợp hiếm hoi, riêng lẻ.

Nhìn chung, đa số các nhạc sĩ sáng tác trước 75, có khuynh hướng trau chuốt ca từ hơn những nhạc sĩ sau này. Cũng có thể, do cảm hứng sáng tác khác nhau. Có người có cảm hứng sáng tác ca từ trước, như làm một bài thơ, sau đó mới ráp thêm giai điệu, cung bậc, tiết tấu cho bản nhạc. Nhưng cũng có người, nảy sinh trong đầu một âm thanh, giai điệu trước khi đặt lời ca cho bản nhạc?

Đi tìm những ẩn dụ, những nghĩa bóng đằng sau ca từ hay thơ văn, cũng là những gì rất thú vị mà tôi muốn mời bạn đi cùng…

Người đầu tiên mà tôi thấy có nhiều hứng thú ngay từ khi còn trẻ, đi tìm những ngầm ý trong ca từ của ông là nhạc sĩ Trúc Phương.



- “Đêm lạc loài, giấc ngủ mồ côi...” ( bài 24 giờ phép của TP).

Giấc ngủ mồ côi hay không ngủ được. Mồ côi là không cha không mẹ. Ở đây, tác giả đã nhân cách hóa giấc ngủ, biến nó thành cha hoặc mẹ của con người trong cuộc để sáng tạo ra một từ ngữ mới, nhằm miêu tả "hiện trường" một cách bóng bẩy hơn. Nhưng, nếu như tác giả chỉ ở có một mình, thì khi tâm tình “giấc ngủ mồ côi”, người nghe có thể hiểu được, ông đang ở trong tình trạng trằn trọc, thao thức canh trường...Ở đây, chỉ cần thêm có 3 chữ đêm lạc loài mà người nghe đã hiểu ngay được, rằng ông, không ở một mình, mà đang cùng người thứ hai đó làm cái chuyện gì khác (?), nên không thể ngủ được!



- “Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi” ( bài Thói đời của TP)

Câu này, cũng khá phổ biến, nhất là đối với những người lính xa nhà. Nói một cách bóng bẩy, cỏ ưu tư chính là thuốc lá. Vì điếu thuốc lá được vấn bằng lá cây khô, nên chi cây với cỏ, cũng là một thứ. Cũng như ngày nay, trồng cần sa thì người ta gọi là “trồng cỏ” đó vậy! Còn tại sao lại gọi là cỏ ưu tư? Người xưa, thường hay có thói quen mượn một tác nhân để trợ lực cho mình trong những diễn tiến về cảm thụ của con người, như mượn rượu để giải phá cơn sầu, để quên đi những đớn đau, thất vọng… Khi muốn đắm chìm trong những suy tư, trong những lo âu của cuộc sống, người ta mượn điếu thuốc! (Chẳng vậy mà các nhà văn, nhà thơ đã đi tìm hứng sáng tác qua hết bao thuốc này, đến bao khác!)



- “Ngày xưa em là thơ. Ngày xưa em là mộng. Giữa hồn tôi còn đọng Những giọt buồn ngày xưa....” (bài Giọt buồn của Vũ Hoàng).

Giọt buồn, không hẳn có nghĩa là nỗi buồn đã "hóa lỏng", để mà chảy thành giọt!. Giọt buồn ở đây, thường là những giọt cà phê. Ngày xưa, văn nhân hoặc thi nhân, hay đi tìm những "chất xúc tác" cho cái inspiration (yên sĩ phi lý thuần) của mình lắm lắm. Thuốc lá hay cà phê đều là những chất xúc tác để giải trừ những lo âu, phiền muộn. Chúng cũng được dùng để tạo thêm sự tự tin, hay giúp người ta dễ tập trung hơn trong suy tưởng của con người! Vì khi dùng chúng, người ta có thể bất động chân tay, không bị phân tâm và chỉ để cho bộ óc làm việc mà thôi! Như “cà phê một mình” để nhớ người yêu đó vậy…





- “Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa.” (Bài Em hiền như ma soeur, thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy)

Nói năng chi cũng thừa, có nghĩa là không cần diễn đạt, khỏi phải truyền thông gì ráo, mà lúc này (lúc đưa em về dưới mưa) chỉ cần..."Chân tay đỡ cho mồm miệng"!



- Trả lại tôi phố cũ ngày xưa, trả lại tôi gác ấm chiều mưa, mà hai đứa thấy ngôn ngữ thừa...(Bài Hiu hắt đời nhau của Lê Vũ)

Lê Vũ cũng có cùng một chủ đích, muốn miêu tả một cách bóng bẩy cái hành động "chân tay đỡ mồm miệng" như Nguyễn Tất Nhiên. Thế mới biết, những cơn mưa, dưới cái nhìn của thi nhân, thường hay là đồng lõa của tội lỗi (?). Như người xưa đã nói: “Vũ vô kiềm tỏa, năng lưu khách. Sắc bất ba đào, dị nịch nhân” (Cơn mưa chiều, đã khóa chân người lữ khách. Nhan sắc khuynh thành, không sóng gió, vẫn làm chìm đắm kẻ tình si)





- “Tình đầu thường rất mong manh. Khi ta yêu, trái tim ta màu xanh” (Bài Tình đầu, tình cuối của Trần Thiện Thanh)

Hình như trái tim màu xanh, chỉ có trong cơ thể của "Green Man" hay trong những "người thực vật" ??? Vâng, thi nhân dùng chữ qủa có khác Bác Sĩ. Xin lỗi, đã đùa giai tí xíu chứ thiếu gì Bác Sĩ làm thơ hay!

Hình như ngày xưa, từ xa xôi lắm, người ta đã nhắc đến những biểu tượng của màu sắc. Đại loại như màu đỏ, tượng trưng cho quyền lực, cho sự may mắn, màu hồng cho tình yêu, màu xanh cho hy vọng, màu vàng cho sự phản bội, màu xám cho sự u buồn v.v...

Thế nên, tình đầu thường rất mong manh và khi bắt đầu yêu, ta thường ấp ủ trong tim những nỗi hy vọng, những niềm trông đợi nơi người mình yêu...Đó chính là những ẩn dụ của tác giả đó vậy.





- “Em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ. Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du…” ( Bài Biết đâu nguồn cội của Trịnh Công Sơn)

Đúng là một sự ví von tài tình và những ẩn dụ thật dễ thương. Trăng nằm ngủ tức là trăng lặn. Con sông ở thể tĩnh (ngày cũng như đêm, vẫn là con sông), thế nên, ông cho nó cái tên là quán trọ. Còn con trăng, đương nhiên phải là thể động rồi. Chỉ riêng sự thay đổi về hình dạng của con trăng (từ trăng khuyết tới trăng tròn) cũng đủ để gán cho nó cái tên là lãng du rồi! Hơn thế nữa, em là trăng nên em khi đầy khi khuyết, khi tỏ khi mờ, buồn vui bất chợt! Qủa là người nhạc sĩ đã hiểu phụ nữ hơn ai hết (!).

Lại nữa, khi ông nói: “Em đi qua chuyến đò ối a sông nay đã già, Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra”… ca từ (hay lời thơ), đã nói lên nỗi buồn, nỗi hiu hắt về cái thân phận hoàng hôn cuộc đời của..."quán trọ" mà "em" thì lại muôn đời thiếu nợ! Chẳng trách em đâu, vì trí nhớ ta, giờ đã mỏi mòn! (Biết đâu, con sông đã bắt đầu vào cái tuổi nhuốm chứng Alzheimer!)



Đó là một vài ẩn dụ trong ca từ, đến đây, xin được lướt sơ qua một vài ẩn dụ trong thơ, khá tuyệt vời, ví dụ như trong bài thơ "Không Gian Vương Dấu Giầy" của nhà thơ quân đội Hà Huyền Chi:

"Từng chiếc lại từng chiếc

Hoa Dù nở trong mây

Hồn tôi ai chấp cánh

Không gian vương dấu giầy"

Có lẽ, không cần giải thích gì thêm, ta cũng đã thấy được cái "hồn thơ", cái óc tưởng tượng phong phú đến dường nào của nhà thơ. Cũng chính cái xúc cảm tuyệt vời nhất, được hòa quyện giữa cảm xúc của thể xác (cánh dù treo thân lơ lửng giữa không trung) và cái thi hứng (hồn tôi ai chấp cánh) rung động bởi những cánh hoa dù đã làm nhà thơ có được những ẩn dụ thật phong phú: "Không gian vương dấu giầy". Vâng, chỉ có cái không gian của một nhà thơ, mới có thể để lại dấu vết mà thôi!



Sau cùng, để nói về ẩn dụ trong thơ, xin gợi lại một câu ca dao mà tôi vẫn luôn ngưỡng mộ tác giả của nó (mặc dù trong nhân gian thì dễ chi tìm!). Đó là câu:

"Hỡi cô tát nước bên đàng,

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?"

Tuyệt vời nhất là ở chỗ, dùng chữ rất ít, mà ta đã có được nguyên một bức tranh đồng quê thật nhiều màu sắc. Nếu nói một cách không mấy thực tế là, ở vào thời buổi bây giờ, nếu ta có đủ phương tiện để ghi lại những hình ảnh đó thành một..."video clip" thì qủa thật, đoạn phim đã mang đầy đủ chi tiết, từ không gian tới thời gian (ánh trăng đêm), màu sắc, âm thanh, chuyển động...Cái khéo của những ẩn dụ ở đây, nó bắt người đọc phải có ngay một sự liên tưởng (rất tượng hình) là cô đang tát nước nhưng chính là cô đang múc ánh trăng vàng đổ đi vì ánh trăng khuya, đang lóng lánh soi rọi trên mặt hồ! Qủa là một bức tranh thật sinh động và một ý thơ thật sâu sắc!



CMD                                                                        
                                                               
                               

 

9/03/2011

Ngôn & Ngữ (C:/ Drive)


 
Xin được nói ngay ở đây, người viết không có tham vọng lạm bàn về lãnh vực ngữ học qua bài viết này mà chỉ xin được tạm thời định nghĩa một cách đơn giản nhất cho hai từ ngữ này, để từ đó, có thể tản mạn về một khía cạnh khác của hai từ ngữ đó.
Như vậy, một cách đơn giản nhất, ngôn là lời nói và ngữ là chữ viết.
Nếu bạn đọc, tạm đồng ý với người viết về hai định nghĩa trên, xin mời đọc tiếp...
Một điều hiển nhiên, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, để thông tri, giao tế với những người chung quanh, ngôn ngữ là những gì thiết yếu nhất cho mọi người trong chúng ta. Nó là thứ khí cụ duy nhất,  giúp ta truyền đạt tư tưởng, san sẻ thông tin và có thể xa hơn nữa, biểu lộ tình cảm hay nói lên những nguyện vọng, nhu cầu của ta. Nói tóm lại, ngôn ngữ thật là thiết yếu cho con người, trong mọi sinh hoạt xã hội hàng ngày. Xin mở một dấu ngoặc để nói thêm ở đây, trong một vài trường hợp hoặc trạng huống đặc biệt, con người, không thể sử dụng phương cách trên đây, đó chính là những lúc, người ta phải dùng...thủ ngữ (hay nói khác đi là "nói chuyện bằng tay")
Ngôn Ngữ, có khi đi song song, có khi đi riêng lẻ, lại có khi “kẻ trước, người sau”, để hỗ trợ cho nhau, làm tròn nghĩa vụ truyền thông! Trong mỗi vị trí nói trên, Ngôn hoặc Ngữ, đều có những chỗ đứng hoặc tư thế riêng biệt của nó...
Khi Ngôn Ngữ đồng hành.
Xin tạm dùng một ví dụ, để có thể diễn giải vị trí và tư thế của NgônNgữ trong trường hợp này một cách cụ thể hơn. Đó là trường hợp của sách, báo in ấn (Ngữ) và Audio Book (Ngôn).
Như chúng ta đã biết, trong thời gian gần đây, để đáp ứng kịp thời với nhu cầu mở mang kiến thức, nhu cầu bồi bổ món ăn tinh thần, người ta đã nghĩ tới chuyện phát hành Audio book. Vì audio book giúp người sử dụng  tiết kiệm được thời gian rất nhiều, nhất là trong kỷ nguyên kỹ thuật số, trong thời đại mà mọi người phải tiết kiệm từng giây từng phút cho công ăn việc làm cũng như giảm thiểu tới mức tối đa cho nghỉ ngơi, thư giãn...Điều dễ hiểu là, với nửa tiếng lái xe, hay ngồi trên xe lửa, trên đường đi làm, ta đã nghe xong một tác phẩm văn chương, mà khỏi phải mỏi mắt đọc nó (nhất là khi đọc sách, khó có thể đồng thời làm một việc khác, ngoại trừ một vài trường hợp thật đặc biệt) và, ta đã dư ra nửa tiếng để làm chuyện khác...
Đây chính là một trường hợp của Ngôn Ngữ đồng hành. Tức là người ta vẫn lưu hành các tác phẩm in ấn, đồng thời cũng có một audio book để diễn đọc chính các sách báo hoặc tác phẩm văn chương đó.
Một điều mà người viết muốn tản mạn ở đây chính là chỗ, liệu Ngôn, có thể thay thế vị trí của Ngữ trong trường hợp này hay không? Để chúng ta có thể dùng được nửa tiếng của thời gian khỏi phải đọc sách này, tạo ra..."vàng bạc" hoặc ít ra, cũng tiết kiệm được tiền bạc trong việc in ấn? Xin thưa ngay, có lẽ là không! Theo tôi, Ngôn không thể thay thế Ngữ trong trường hợp này.
Vì, khi ta đọc một quyển sách, khác hẳn khi ta nghe người khác, đọc chính quyển sách đó. Nhất là khi người đọc, lại không phải là tác giả của tác phẩm đó. Bản thân người viết đã có dịp "chiêm nghiệm" điều này, đã từng đọc và cũng từng nghe (thậm chí chính tác giả đọc) một số truyện dài, truyện ngắn của một nhà văn nổi tiếng, đương thời. Đương nhiên, văn chương của mình viết ra, tác phẩm là sản phẩm của chính mình, thì khi đọc, giọng đọc lúc lên bổng, khi xuống trầm, chỗ ngưng, chỗ nghỉ đều hoàn toàn do mình kiểm soát được. Thế nhưng, tôi vẫn thấy có cái gì khang khác...Chỉ vì, khi ta đọc một cuốn sách, ta đã để hồn mình vào tác phẩm đó, ta đã dùng đầu óc của mình, để mường tượng, để hình dung ra những khung cảnh, những diễn tiến của nội dung câu chuyện, để "thấm ý" tác giả, còn khi ta nghe, âm thanh cứ liên tục qua tai, dẫn tới não bộ của ta. Khi ta chưa kịp mường tượng, chưa kịp hình dung, đã phải tiếp nhận âm thanh kế tiếp rồi. Điều này cũng nói lên được, một đoạn văn muốn viết cho hấp dẫn, muốn tạo ấn tượng cho người đọc thì đoạn văn ấy, phải xúc tích, dùng chữ phải chính xác và nhất là phải tượng hình!
Cũng xin mở một dấu ngoặc ở đây, để nói thêm rằng, khi nghe đọc một truyện ngắn (hay truyện dài), ta phải chú tâm nhiều hơn như khi nghe một bản nhạc.
Hoặc giả, tiến trình dung nạp của não bộ, từ thính giác có hơi khác so với cũng tiến trình đó, từ thị giác chăng?

Khi Ngôn và Ngữ đi riêng lẻ.
Xin mượn tạm một thí dụ khác, trong quan hệ lứa đôi chẳng hạn. Khi còn là tình nhân, người ta thường dùng Ngữ nhiều hơn Ngôn, như thư tình cho nhau, email hoặc SMS….Nhưng  khi đã là vợ chồng, chúng ta ít khi sử dụng Ngữ với nhau mà 99% những gì ta trao đổi với nhau, đều dùng Ngôn. Từ những lời ngọt ngào thương yêu, ta trao cho nhau cho chí những lời cay đắng cho nhau và thậm chí..."khẩu chiến"  với nhau, đều dùng Ngôn.
Cái 1% lẻ loi khi ta phải dùng Ngữ, đó chính là khi hai ta, vì một lý do nào đó đang bắt đầu một cuộc "chiến tranh lạnh" hay bắt đầu “tịnh khẩu” với nhau. Khi đó, trong một hoàn cảnh vạn bất đắc dĩ, ta đã phải trao đổi với nhau bằng Ngữ.  Hãy tưởng tượng, một mẩu  tin nhắn ngắn của một ông chồng trong hoàn cảnh này, gửi cho vợ. Mẩu tin nhắn đó, có thể được viết trên một mẩu giấy nhỏ, có thể là vài dòng chữ dùng phương tiện SMS của điện thoại cầm tay, có thể là vài dòng email, vài dòng chit chat v.v...
Trường hợp dùng Ngữ này, đôi khi lại có một tác dụng thuận lợi, vì nó có thể chấm dứt chiến tranh, đem lại hoà bình cho đôi bên, hạnh phúc có thể còn thắm thiết hơn xưa... Vì những câu xin lỗi, hay mỏi miệng năn nỉ, chưa chắc đã hiệu qủa bằng vài dòng nhắn tin. Nếu những dòng tin nhắn này, có một tác dụng tâm lý nào đó. Một ví dụ: " Em thương yêu...Tối qua, đi làm về, biết nhà không có gì ăn, anh đã ghé mua 2 phần mì xào dòn (món em thích nhất). Chờ hoài chẳng thấy em ra ăn, mệt qúa, ngủ vùi trên sofa. Bỏ thùng rác giùm anh! Sáng nay vội qúa. Lại đi làm trễ nữa rồi!”

Ngôn ngữ bổ xung cho nhau.
Ta đang đi tìm việc làm. Để nộp đơn xin việc, ta phải gửi bản resume thích hợp nhất cho công việc đó. Ta đã dùng Ngữ. Cơ quan tuyển người, đọc bản resume thấy được, gọi ta đi phỏng vấn. Tức là Ngữ đã dọn đường cho Ngôn. Nhờ có chuẩn bị, ta đã trả lời lưu loát trong cuộc phỏng vấn. Ta được việc. Ở đây, Ngôn và Ngữ, đều làm chung một sứ mệnh là "đánh bóng" cái ta, làm cho người phỏng vấn thấy rằng, ta thích hợp nhất cho công việc đó.

Ngôn ngữ khó đồng tình.
Trong cuộc đối thoại với một người xa lạ, hay với một người bạn đã lâu năm không gặp, khi ta nói một câu pha trò hay bông đùa, người đó rất dễ dàng thấm ý câu chuyện, hơn là khi ta viết ra, cùng câu chuyện đó cho người ấy đọc. Có thể khi diễn tả câu chuyện, ta đã dùng những thang âm khác nhau, để người nghe hiểu được, đó là một câu nói đùa. Nhưng khi viết ra thì lại khác. Chẳng thế mà có nhiều người cẩn thận, đã phải dùng cái "emoticon" đính kèm (cho nó rõ ý của người gửi hơn)!

CMD

                                                                                        
                                                                                                        Trở lại “Home”