6/22/2012

Ly đầy chưa cạn (Truyện Ngắn)

Cạn ly đầy, ta châm đầy ly cạn,
Mơi chiều rồi, biết có bạn để mà say...


Tùng đốt hết điếu thuốc này, sang điếu khác, tâm trạng nửa bồn chồn, nửa háo hức. Bao nhiêu hình ảnh của qúa khứ, cứ dồn dập, hỗn độn ùa về trong tâm trí chàng. Tùng đang cố gắng tự trấn tĩnh lấy mình bằng cách phụ vợ trong việc nấu nướng, dọn dẹp, để khỏi phải suy nghĩ mông lung, khỏi trông ngóng, đợi chờ. Hôm nay, vợ chồng Tùng có cuộc hẹn thật quan trọng với hai vợ chồng người bạn, những người bạn đồng hương trên đất khách, mà đã gần ba mươi năm rồi chưa gặp lại nhau. Sở dĩ cả Tùng lẫn Thanh, vchàng, đều mang niềm mong đợi, trông chờ cho cuộc hẹn hôm nay và đặt nó lên tầm quan trọng, vì vợ chồng Thành là những người bạn rất đặc biệt đối với hai vợ chồng Tùng. Họ quen nhau chưa được bao lâu, mới ngót nghét hai năm, nhưng đã khá thân và cũng vì những trạng huống đặc biệt, họ đã phải xa nhau, mỗi người một tiểu bang. Mặc dù khoảng thời gian gần hai năm, thường chưa đủ độ bền để ghi lại một tình bạn chí cốt thâm tình cho nhau, nhưng cả hai gia đình, đều tìm thấy ở nhau những chỗ thật gần gũi, thật chân tình cho một tình bạn hiếm hoi nơi đất khách quê người này. 
Từ ngày họ gặp gỡ nhau, quen nhau, rồi xa nhau đến nay, mới chỉ trong vòng ba mươi năm trở lại, nhưng Tùng vẫn cảm nhận được rằng, mình đã mang trong lòng một nỗi háo hức lạ kỳ, háo hức được gặp lại Thành. Có thể, lúc trước, cũng vì những nguyên nhân khách quan nào đó, đã khiến đôi bên mất liên lạc của nhau từ gần ba mươi năm nay, từ ngày vợ chồng Tùng rời Queensland để đến thành phố Melbourne, sinh sống với người thân.
Sở dĩ có cuộc hẹn hôm nay, chỉ vì qua một sự tình cờ kỳ diệu, Tùng đã bắt lại được liên lạc với Thành. Tùng vào Facebook và dựa vào cái nickname khá đặc biệt mà chỉ có Tùng mới nhận ra là của Thành, Tùng đã tóm cổ ngay được anh chàng sau gần ba mươi năm trời bặt vô âm tín. Một phần, Thành đã yêu cái nickname này vì chính Tùng đã đặt nó cho Thành ngày hai người mới quen nhau và bây giờ, cũng sẽ chỉ có Tùng là người duy nhất, có thể nhận ra Thành qua nickname đó. Nickname "Mũ Nâu Râu Nhiều" (MNRN). Thật sự, với bốn chữ có vần có điệu này, cũng đã khá đủ để miêu tả chàng chiến sĩ Biệt Động Quân với hàm râu quai nón ngang tàng này rồi, nhưng Thành đã thấm ý và thích nó nhiều hơn, khi khám phá ra cách "đánh vần" của bốn chữ MNRN mà Thành đã đọc nó với một giọng đặc sệt miền Nam của mình là "Em Anh Rờ Anh"... Dạo đó, trong những lúc cao hứng nơi bàn nhậu, cùng với ngón đàn guitar ba chớp ba nháng của Tùng, Thành hay cất giọng hát thật trầm và khè của mình: "...Nàng yêu anh quân nhân Biệt Động, trong một chiều cuối đông...Chàng về đơn vị xa xăm, nàng nghe nặng nhớ mong..." Và rồi, với một giọng nhừa nhựa, lè nhè, khoác vai Tùng, Thành tâm sự: "Ê mậy, sao ông TTT, ổng chưa gặp tao mà đã đặt nhạc nói về tao, trúng qúa vậy mậy?!!"...
Quay ngược kim đồng hồ, để trở về với những năm tháng giữa thập niên 80, khi hai vợ chồng Tùng và Thanh mới định cư tại tiểu bang Queensland của nước Úc. Trong những năm đầu của thập niên này, người Việt định cư tại thành phố Brisbane, thuộc tiểu bang Queensland còn rất thưa thớt.
Tùng, nhờ chút vốn liếng Anh văn còn rơi rớt từ những ngày đèn sách nơi quê nhà, đã tranh thủ, xin được một công việc lao động chân tay ở hãng xưởng. Vào thời điểm đó, đa số người Việt đều nôn nóng, nhiệt tâm làm bất cứ công việc gì để có ngay được lợi tức thu nhập và điều hiển nhiên là không phải cho bản thân họ mà cho những nguyện vọng tương trợ khẩn thiết đến những người thân của họ, những người ở quê nhà...
Một buổi sáng thứ Bẩy, nơi khu shopping khá đông đảo, nhộn nhịp của thành phố Brisbane, khi Tùng đang cùng vợ đẩy chiếc xe đẩy, chất đầy hàng, vừa ở quầy tính tiền ra, thì bước chân mình chợt khựng lại vì một âm thanh quen thuộc. Đó là tiếng huýt gió của một người đàn ông. Đúng thế, tiếng huýt gió phát ra từ phía người đàn ông mà vợ chồng Tùng vừa lướt ngang qua, chưa được ba bước. Nếu không có âm thanh này, chắc hẳn Tùng đã chẳng bao giờ để ý tới hắn. Gã đàn ông đang phì phèo điếu thuốc, bước thẩn thơ, tới lui trong chiều tư lự. Gã ăn mặc khá tươm tất, nhưng chiếc áo gió thì đã hơi bạc màu, sờn cổ. Mái tóc hơi quăn, màu đen nâu, đóng khung một cách hài hòa lấy khuôn mặt, với nước da đen xạm như còn khét mùi nắng của gã. Chẳng trách chi, đã không có một mảy may nào gợi sự chú ý của Tùng. Có lẽ, trong một góc nhìn hững hờ bằng đuôi con mắt của Tùng, gã đàn ông đã chẳng hề có dáng dấp gì của một đồng hương!
Khi điếu thuốc không ở trên môi, hắn lại huýt gió khe khẽ. Tiếng huýt gió như ngập ngừng đứt quãng, như bâng quơ, như hờ hững nhưng mang đầy vẻ tư lự của người đàn ông. Hắn đang "sô lô" câu đầu bản nhạc "Duyên Kiếp" của L.P. Cả hai vợ chồng Tùng đều thoáng ngạc nhiên, chút vui mừng nhen nhúm, đưa mắt nhìn nhau. Tùng là kẻ luôn mang dòng máu tếu, hài hước trong người, nên ngay khi tiếng huýt gió sô lô câu đầu bản nhạc...  "Em ơi nếu mộng không thành thì sao?" vừa dứt, anh cất ngay tiếng hát tiếp nối, làm như thật vô tình, thật bâng quơ..."Mua chai thuốc chuột, uống dzô rồi đời!". Qủa nhiên hành động này, có "ép phê" ngay, Tùng nghe có tiếng bước chân hơi vội, đang tiến gần tới sau lưng mình...
- Xin lỗi..."già" người Việt hả?
Tùng trả lời bằng...mắt:
- Sao hỏi ngớ ngẩn vậy cha?
Thấy vậy, người đàn ông hơi ngượng, vội đổi sang câu hỏi khác ngay:
- Xin lỗi, già tới Úc lâu chưa?
Tùng chợt có ngay thiện cảm với người dối diện, khi bắt gặp ánh mắt thật sắc nhưng cũng rất thẳng thắn, chân thật. Vì ánh mắt đó, đã không hững hờ, “chu du” trên mặt của người đối thoại, mà nó như rọi lên tự đáy lòng của người nói chuyện và truyền thẳng sang đôi mắt người kia. Ánh mắt nhìn thật sâu, đã cho Tùng cái cảm giác "đối diện thấy tương phùng" ở người bạn đồng hương này. Thêm vào đó, lối xưng hô thuộc loại tiếng lóng của miền Nam Việt Nam từ những năm nảo năm nao xa xưa lắm rồi, đã làm nỗi xúc động "tha hương ngộ cố tri" của Tùng tăng lên bội phần!  
Tùng không trả lời thẳng câu hỏi của người đàn ông, đưa tay ra bắt tay gã:
- Tôi tên Tùng...Còn bà xã là Thanh...Rất vui được gặp...già ở đây. Vùng này ít người Việt mình qúa phải không già?
Cái xiết tay khá chặt của người đàn ông, như một dấu hiệu hứa hẹn cho một tình bạn thắm thiết ở những ngày kế tiếp:
-      Tôi, Thành... À, Hên qúa! Già có bận gì không? Nhà ở gần đây không?...
Tùng mau mắn trả lời ngay:
-      Shop xong rồi, giờ chỉ về nhà thôi...Tôi cũng ở gần đây thôi, 15 phút lái xe...Sao? Có gì không?  
-      Thiệt tình, nói cũng hơi ngại chút... Tui bỏ quên chìa khóa trong xe...Già có thể cho tui qúa giang về nhà được không? Tui ở cách đây chỉ chừng 10 phút lái xe à!
Và cũng từ đó, vợ chồng Tùng đã quen thêm được những người bạn mới.
Ở Thành, Tùng đã bắt gặp một dáng dấp thật đàn ông của người lính già. Thành không to con cho lắm nhưng rất rắn chắc, nhanh nhẹn. Thời gian trải nghiệm với cuộc sống, chắc hẳn đã mang đầy rẫy những khó khăn, cơ cực, nên nó làm con người Thành như già đi trước tuổi khá nhiều. Có lẽ, họ rất dễ dàng thân nhau, cũng chính bởi cái sự chân thành, bộc trực nơi Thành...

Đến nay, qua sự tình cờ, lang thang trên mạng họ lại bắt được liên lạc với nhau. Nỗi vui mừng, háo hức đến với cả đôi bên. Thành đã thú thật lòng mình với Tùng qua các mẩu tin nhắn trên Facebook từ những ngày đầu tiên:
- "Tao nói thiệt, đâu biết xài ba cái đồ qủy này đâu, toàn nhờ con gái tao cả..."
- "Con tao nói, nếu ba có một bí danh nào đó mà chú ấy biết, thì Facebook dễ nhận ra nhau nhất nếu chú ấy cũng có tài khoản."
Sau vài lần trao đổi thông tin và nhận ra rằng, bạn già mình cũng không được rành rẽ cho lắm với phương tiện liên lạc mới này, Tùng đề nghị, xin số điện thoại của nhau để tiện liên lạc và Tùng đã cho Thành địa chỉ và số điện thoại của mình.

Dòng suy nghĩ của Tùng chợt bị ngắt ngang vì tiếng nói của vợ vọng lên từ duới bếp:
-      Anh coi lại coi, ảnh có nói mấy giờ tới không mà sao lâu qúa vậy hả anh?
Tùng cũng đang trong nỗi nôn nao của sự đợi chờ, nên vừa trả lời vợ vừa nhẩm lại trí nhớ của mình qua câu tin nhắn của Thành:
-      Ảnh chỉ nói là: “Gặp nhau thứ Bảy tuần tới, nói vợ mày nhớ làm món gì đặc biệt, đãi tụi tao bữa ăn tối hội ngộ nghen...Thứ Ba là Quốc Khánh Úc, tao nghỉ bắc cầu, làm cái “long weekends” ở chơi với vợ chồng mày...”
Thanh từ dưới bếp, uể oải đi lên nhà trên, gieo mình xuống sofa một cách mệt mỏi. Coi như mọi chuẩn bị cho bữa ăn tối đã xong xuôi, kể cả căn phòng tươm tất dành sẵn cho khách vãng lai. Sự mệt mỏi về thể xác trong tiến trình nấu nướng nơi người phụ nữ, sẽ được xóa tan ngay tức khắc khi người đó nhận được một lời nhận xét nơi người thưởng thức món ăn do họ nấu. Người thưởng thức, cũng ít khi nào hà tiện một lời khen tặng cả! Dù nghĩ vậy, Thanh cũng khá tự tin về tài nấu nướng của mình, nhất là tài làm món...nhậu cho mấy ông!
Thanh tần ngần đưa ra vài lời góp ý với chồng:
-      Mấy ông sao sơ ý qúa vậy...Liên lạc lại được với nhau từ mấy tháng nay rồi mà không xin được cái số điện thoại của nhau?...Không biết có chuyện gì?...
Tùng đáp ngay:
-      Anh có cho số điện thoại và địa chỉ của mình cho Thành rồi, ảnh mới hẹn gặp bữa nay được chứ!...Cha nội cũng “lão” qúa rồi! Bao nhiêu lần hứa đưa anh số điện thoại, xong rồi lại quên...
Thanh tự nhiên chợt “khôn bất ngờ”:
-      Ờ mà từ bữa nhận được tin nhắn của ảnh tới giờ, anh có vô lại Facebook hay email gì gì của anh chưa?
-      Máy anh trục trặc, bị “virus”. Mới sửa xong hôm qua nên cũng chưa kịp vô internet.
-      Thiệt sao?!...
Không đợi vợ nói thêm câu nào nữa,  Tùng phóng vội vào phòng, bật máy computer lên để vào Facebook.
Nói cho cùng, trang mạng xã hội Facebook dù sao đối với cả hai người,  cũng là một ân nhân, vì nhờ nó, họ đã tìm lại được mối giây thân tình từ thuở xa xưa. Riêng với Thành, Tùng là người bạn duy nhất Thành có được trên Facebook và Thành cũng cảm thấy khá thích thú về những thuận tiện của nó trong việc liên lạc với bạn bè.. Thành đã định bụng, sẽ hỏi con gái làm sao để gửi ảnh lên cho bạn già mình ngắm dung nhan nhưng rồi vẫn lần lữa, qua tháng ngày mà chưa thực hiện được.
Tùng đã đọc được dòng tin nhắn thật ngắn ngủi, gửi đi đã hơn hai ngày qua của Thành: "Chắc hổng qua nổi con trăng này qúa mậy..."
Tùng suýt phì cười vì câu nói qúa quen thuộc này của Thành, cũng như của khá nhiều người sống cùng thế hệ với Thành và Tùng. Những kỷ niệm xa xưa lại ùa về trong tâm tưởng... Khi xưa, có lần thấy Thành sặc nước, ho sặc sụa, đỏ mặt tía tai, Tùng đã chạy lại vỗ lưng Thành, nói đùa: "Khoan đã mậy...Đừng đi nghe cha! Bỏ Mộng Thường lại cho ai đây?..." Thành cũng đùa giai theo Tùng: "Chắc hổng qua nổi con trăng này qúa!"
Cũng câu nói đó, nhưng hôm nay, Tùng thấy như nó có vẻ không còn giống trường hợp năm xưa nữa rồi. Có lẽ, nó không còn là một câu bông đùa nữa, vì đã ngót nghét ba mươi năm, ba mươi năm thăng trầm của cuộc sống trên đất khách! Có chuyện gì mà chẳng thể xảy ra. Không hiểu người lính già xa quê hương này, còn đủ sức chống chỏi với thời gian? Tùng chợt nghe lòng mình chùng xuống, một cái gì cay cay trong khoé mắt. Tùng đang lẩm bẩm nhắn nhủ với Thành và cũng với chính bản thân mình. Thành ơi, chẳng phải những người lính già như tụi mình, sẽ không bao giờ gục ngã cả, họ chỉ phai nhạt dần nơi chốn đó, thật xa xăm hay sao?! Đúng vậy đó, năm xưa bom đạn còn phải né mình nữa là...
Bỗng Tùng cảm thấy có đôi bàn tay của vợ đặt nhẹ trên vai mình. Thanh đã ở sau lưng chồng từ lâu lắm rồi và đã vỡ lẽ khi đọc xong những dòng tin nhắn của Thành. Hơn ai hết, Thanh rất thấu đáo cá tính của chồng. Tùng đang cần một khoảng không gian thật riêng tư, để được sống với dòng cảm xúc của mình. Tuy biết Tùng đang rất xúc động trong lúc này, nhưng Thanh vẫn vững tin vào khả năng kiềm chế, cũng như lối sống nội tâm khá kiên cường của chồng. Thanh lặng lẽ bỏ vào phòng, ráng kìm hãm cho nỗi xúc động đừng oà vỡ, trước khi gieo mình xuống giường.
Đêm đang xuống thật sâu. Không gian lặng lẽ. Không gian muộn phiền như càng lúc càng thêm cô đọng.
Bàn ăn với thức ăn ê hề, đã nguội lạnh tự bao giờ. Tùng với chai rượu trên bàn, tìm hai cái ly để rót ra. Tùng định bụng sẽ uống thay cho Thành một ly và, cũng hy vọng với hai ly rượu mạnh này, ít ra, nó cũng giảm bớt được phần nào những căng thẳng nơi Tùng trong lúc này. Vì, với bao nhiêu suy đoán, bao nhiêu giả thuyết về tình trạng hiện tại của Thành, đã làm Tùng cảm thấy căng thẳng cùng cực, nó như một  sợi giây đàn đã lên tới hết cỡ! Bỗng Tùng chợt đặt mạnh chai rượu xuống bàn, vỗ trán tự trách:
- "Mẹ! Nó có chết đâu mà uống thế!..."
- “Thành ơi! Tao sẽ chờ mày... Cho dù có phải chờ tới hết weekends. Tao chỉ rót đầy một ly thôi, để hai đứa mình cùng "cưa". Tao muốn được nghe tiếng "khà" của mày khi ly đã cạn. Mình sẽ "bottoms up" để tao được nghe lại giọng rè với hai câu thơ ngày đó của mày!”

Thành ơi, dẫu đã biết rằng, trong cuộc đời này, trò chơi đắng cay nhất, xót xa nhất, vẫn là trò đợi chờ, nhưng vì mày, từ giờ, tao sẽ nhập cuộc chơi. Chung rượu đầy, tao sẽ chờ mày về, cùng uống cạn để châm thêm. Tao sẽ chờ mày ở đây, để nghe mày ngâm lại câu thơ của mày ở những ngày xa xưa đó:
Cạn ly đầy, ta châm đầy ly cạn,
Mơi chiều rồi, biết có bạn để mà say...

Du Katak



No comments: